Thời kỳ Angkor (802-1432) Lịch_sử_Campuchia

Bài chi tiết: Đế quốc Khmer

Phục quốc (802-944)

Đầu thế kỷ thứ 9, nhân khi vương triều Sailendra suy yếu, một người trong hoàng tộc Chân Lạp bị bắt làm tù binh đã trốn về nước, tập hợp lực lượng đấu tranh để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Sailendra và thống nhất lại Campuchia, khởi đầu một đế chế hùng mạnh ở Đông Nam Á - đế quốc Khmer (802-1434). Ông lên ngôi vua, lấy hiệu là Jayavarman II.[4]

Jayavarman II đã cố công tìm kiếm một địa điểm mới để đặt kinh đô. Trong thời của ông, vương quốc đã dời đô nhiều lần, từ Indrapura cho tới Hariharalaya và Mahendrapura ở núi Kulen rồi cuối cùng là quay trở lại Hariharayala.

Thời kỳ Jayavarman II tại vị, sự sùng bái thần Shiva có khuynh hướng biến thành sự sùng bái nhà vua (Devaraja). Do đó mà ông cũng được tôn sùng như một vị thần. Khi ông qua đời năm 854, người ta đã phong tặng cho ông danh hiệu Paramesvara tức "Chúa tể".

Cháu của Jayavarman II là Yasovarman I cai trị từ 889-900 lại tiếp tục dời đô thêm 50 km, tại một nơi mà ông gọi là Yasohadrapura tức là Angkor. Đây là biến âm từ chữ Phạn Nagara, tức "Quốc đô". Đế quốc Khmer vì thế còn được gọi là vương quốc Angkor, đế quốc Angkor.

Phát triển (944-1181)

Đế quốc Khmer cuối thế kỷ 12

Rajendravarman II lên ngôi năm 944 được thừa kế cả hai dòng Khmer Nam và Bắc. Ông là con Mahendravarman thuộc hoàng tộc Bhavapura (phía Bắc) và Mahendradevi, dì ruột của Harsavarman II (942-944), vua của dòng Nam. Do sự kiện này mà hai dòng tộc Thủy Chân LạpLục Chân Lạp đã lập lại được sự thống nhất. Các văn bia thời kỳ này đều nhấn mạnh về nguồn gốc tộc Mặt trời (Suryavamsa) phía Bắc và tộc Mặt trăng (Somavamsa) phía Nam của vương triều. Tên nước được xác định là Kambuja và vua là Kambujaraja.

Tuy đã tái thống nhất nhưng giữa hai dòng tộc vẫn có sự mâu thuẫn. Năm 1002, Jayaviravarman II lên ngôi ở Angkor tại miền Nam thì một hoàng thân khác cũng tự lên ngôi ở Sae Mun phía Bắc là Suryavarman I. Năm 1010, Suryavarman I đã lật đổ vua phía Nam rồi làm vua cả hai miền. Năm 1082, Jayavarman VI tự lên ngôi ở Sae Mun cũng đem quân đi lật đổ vua ở Angkor và cai trị vương quốc từ 1082 đến 1107.

Tuy nhiên về sau thế lực của nhóm phía Bắc tập trung ở Sae Mun dần suy yếu và không còn là đối trọng với phía Nam được nữa. Cuối thế kỷ 12, các văn bia chỉ còn nhắc tới một tộc Kambu Mặt trời nhưng đã di cư xuống phía Nam mà thôi.

Do sự thống nhất và ổn định, Rajendravarman II (944 – 968) vừa lên ngôi đã đem quân sang đánh Champa. Suryavarman I (1002-1050) còn tiến xa hơn, chinh phục được trung và hạ lưu sông Chao Phraya (sông Mê Nam nay thuộc Thái Lan) và cao nguyên Khorat. Harsavarman II (1066-1080) đã đánh ChampaĐại Việt. Tới thời Suryavarman II (1113-1150) thì vương quốc đã chinh phục được Champa trong khoảng 1145-1149 và thậm chí 5 lần đem quân đánh Đại Việt (1128, 1129, 1132, 1138, 1150).

Sau cuộc tranh ngôi năm 1010, kinh đô bị hư hại nặng nên Suryavarman II đã cho tiến hành xây dựng Angkor Wat như là một biểu tượng cho sức mạnh của vương triều.

Cực thịnh (1181-1201)

Sau khi Suryavarman II qua đời, ngôi vua bị một người lạ tự xưng là Tribhuvanadi, tức Tyavarman, đánh cướp năm 1165 khiến quốc gia suy yếu. Năm 1177, Jaya Indravarman IV của Champa thừa cơ tấn công Angkor. Một hoàng thân trẻ của Angkor phải chờ đợi trong 16 năm mới tập hợp được lực lượng để đánh bại Champa và lên ngôi vua năm 1181, tức Jayavarman VII.

Trong thời kỳ cai trị của Jayavarman VII, vương quốc Angkor đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển.

Sau vài năm để khôi phục vương quốc, Jayavarman VII đã tính tới chuyện trả thù Champa. Năm 1190, Jayavarman VII đã cử một đạo binh lớn sang tấn công Champa và đánh bại hoàn toàn người Chăm. Một hoàng thân người Chăm thân Khmer được cử tới cai trị và Champa trở thành một tỉnh của Chân Lạp trong một thời gian dài. Ngoài việc đánh Champa, ông còn thôn tính luôn cả Haripunjaya gần biên giới Miến Điện-Thái Lan và bán đảo Malaya. Có thể quân Chân Lạp đã tới được cả Luang Prabang ở Lào nữa.

Vương quốc Chân Lạp dưới thời Jayavarman VII có 23 tỉnh. Để cai trị đất nước rộng lớn, ông đã cho xây dựng 121 trạm nghỉ (Dharmasala) dọc theo các tuyến giao thông quan trọng mà ngày nay vẫn còn tồn tại dấu tích trên tuyến đường nối Angkor với Pimai ở Thái Lan và từ Sambor cho tới Vi Jaya của Champa (kinh đô Phật Thệ, nay ở Bình Định). Jayavarman VII cũng đã cho xây dựng kinh đo mới là Angkor Thom.

Suy thoái

Không rõ Jayavarman VII qua đời năm nào nhưng con trai ông là Indravarman II đã lên thay thế ông sau năm 1201 và cai trị tới 1243.

Trong những năm cai trị đầu tiên của Indravarman II, đế quốc Khmer từng 3 lần giao chiến với quân Đại Việt trong các năm 1207, 1216 và 1218. Tuy nhiên, sau năm 1218, không còn thấy Đế quốc Khmer có chiến tranh với các quốc gia khác trong khu vực nữa. Không những vậy, năm 1220, Đế quốc Khmer còn cho lui quân khỏi Champa mà không có bất kỳ sự đấu tranh hay biến động nào từ Champa.

Ở phía tây, những tộc người Thái nổi dậy, thành lập vương quốc Sukhothai, đẩy lui người Khmer. Trong khoảng 200 năm tiếp theo, người Thái trở thành đối thủ chính của người Khmer.

Nối ngôi Indravarman II là Jayavarman VIII (trị vì từ 1243-1295). Không như các vua trước theo đạo Phật Đại thừa và có ảnh hưởng của đạo Hindu, Jayavarman VIII theo đạo Hindu và rất quá khích chống lại đạo Phật. Ông cho phá hủy phần lớn các tượng Phật trong vương quốc (các nhà khảo cổ ước tính trên 10 ngàn tượng Phật bị phá hủy, chỉ để lại rất ít dấu tích) và biến chùa chiền thành đền thờ của đạo Hindu.

Từ bên ngoài, đế quốc này bị đe dọa bởi quân Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của tướng Sagatu. Nhà vua tìm cách tránh nạn binh đao bằng cách triều cống cho người Mông Cổ, lúc này đang làm chủ Trung Quốc. Triều đại của Jayavarman VIII kết thúc năm 1295 khi ông bị con rể là Srindravarman (còn gọi là Indravarman III) (trị vì từ 1295-1309) lật đổ. Tân vương là người theo Phật giáo Theravada, là trường phái Phật giáo đến từ Sri Lanka, rồi lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á.

Sau thời kỳ trị vì của Srindravarman, có rất ít tư liệu ghi lại lịch sử vương quốc thời kỳ này. Cột đá cuối cùng mang văn khắc được biết đến là từ năm 1327. Không có đền đài lớn nào được xây dựng thêm. Các nhà sử học ngờ rằng điều này gắn liền với tín ngưỡng Phật giáo Theravada vốn không đòi hỏi việc xây cất các công trình vĩ đại để thờ phụng. Tuy nhiên, việc vắng bóng các công trình lăng tẩm lớn cũng có thể do việc quyền uy của triều đình sút giảm và do đó thiếu nhân công xây dựng. Các công trình thủy lợi cũng dần đổ nát, mùa màng do đó cũng bị thất bát khi có lũ lụt hoặc hạn hán, làm đế quốc càng suy yếu.

Quốc gia Thái láng giềng, vương quốc Sukhothai, sau khi đẩy lùi đế quốc Angkor, bị một vương quốc Thái khác, vương quốc Ayutthaya, chinh phục năm 1350. Từ sau năm 1352, Ayutthaya trở thành đối thủ chính của Angkor. Họ mở nhiều chiến dịch tấn công Khmer, nhưng đều bị đẩy lùi.

Tuy nhiên tới năm 1431, cuối cùng thì sức mạnh áp đảo của Ayutthaya cũng trở nên quá lớn để chống lại, và Angkor thất thủ trước quân Thái.